Gánh nặng mưu sinh đã khiến không ít người phải rời quê hương đến các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và phát triển bản thân, thậm chí là sinh sống trong nhiều năm liền. Từ đó, nhu cầu đăng ký thường trú, tạm trú ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra ở đây là, liệu một cá nhân có được đăng ký nhiều nơi thường trú, tạm trú không?
Thông qua bài viết này, Công ty Luật PL & Partners xin chia sẻ đến bạn đọc các quy định liên quan đến vấn đề này.
1. KHI NÀO PHẢI ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ, TẠM TRÚ?
a) Trường hợp nào phải đăng ký thường trú?
Căn cứ khoản 4 Điều 22 Luật Cư trú 2020, trường hợp người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì phải đăng ký thường trú tại chỗ ở mới. Thời hạn đăng ký là 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
b) Trường hợp nào phải đăng ký tạm trú?
Căn cứ khoản 1 Điều 27 Luật Cư trú 2020, trường hợp công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
Thời hạn tạm trú tối đa là 24 tháng và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần. Trong thời hạn 15 ngày trước khi hết thời hạn tạm trú, phải thực hiện thủ tục gia hạn tạm trú. Thủ tục gia hạn tạm trú thực hiện như đăng ký tạm trú lần đầu.
(Xem thêm bài viết: Đăng ký tạm trú online)
2. CÓ ĐƯỢC ĐĂNG KÝ NHIỀU NƠI TẠM TRÚ, THƯỜNG TRÚ KHÔNG?
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định về nguyên tắc cư trú như sau:
“4. Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.”
Như vậy, có thể nói, mỗi công dân đều có quyền tự do cư trú tùy theo nhu cầu của mình, tuy nhiên, tại một thời điểm, mỗi một công dân chỉ được đăng ký duy nhất một nơi thường trú và có thể đăng ký thêm một nơi tạm trú (nếu có).
Trường hợp có sự thay đổi về nơi ở dẫn đến việc phải đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại địa chỉ mới theo quy định trên đây, thì người dân phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định. Khi đó, nơi thường trú, tạm trú đã đăng ký trước đây sẽ không còn là nơi thường trú, tạm trú của người dân, mà pháp luật chỉ công nhận duy nhất một nơi thường trú, một nơi tạm trú đã được đăng ký tại thời điểm gần nhất của người dân.
Trong trường hợp ở nhiều nơi khác nhau ngoài nơi thường trú thì lựa chọn nơi có thời gian cư trú lâu dài hơn để đăng ký tạm trú. Còn lại phải thông báo lưu trú – là việc công dân ở lại trong một thời hạn nhất định ngoài nơi cư trú (tạm trú và thường trú) và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
____________________________________________________________________________________
Bài viết căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm viết bài và có thể không còn phù hợp tại thời điểm Quý khách đọc bài viết này do quy định pháp luật có sự thay đổi. Do vậy, bài viết chỉ có giá trị tham khảo. |