Bản chất của quan hệ lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động dựa trên sự bình đẳng, tự nguyện và tôn trọng lẫn nhau. Vì vậy, một khi giữa các bên có phát sinh tranh chấp, pháp luật cho phép người lao động được quyền đình công.
Tuy nhiên, có rất nhiều người lao động vẫn chưa nắm rõ các quy định pháp luật nên dẫn đến xảy ra nhiều cuộc đình công bất hợp pháp, làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của chính người lao động. Do đó, ở bài viết này, Công ty Luật PL Và Cộng Sự xin đưa ra các quy định của pháp luật về một cuộc đình công hợp pháp. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi.
1. ĐÌNH CÔNG LÀ GÌ?
Khái niệm về đình công được quy định tại Điều 198 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:
“Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.”
2. QUY ĐỊNH VỀ CUỘC ĐÌNH CÔNG HỢP PHÁP?
Để một cuộc đình công được xem là hợp pháp thì phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
2.1. Thuộc trường hợp được quyền đình công.
Điều kiện đầu tiên để một cuộc đình công được xem là hợp pháp là phải thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật quy định được quyền đình công. Điều 199 Bộ luật Lao động 2019 quy định về 02 trường hợp người lao động được quyền đình công như sau:
- Trường hợp 1: Hòa giải không thành hoặc quá thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan có thẩm quyền mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
- Trường hợp 2: Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
2.2. Được tổ chức và lãnh đạo đình công bởi tổ chức có thẩm quyền.
Một cuộc đình công chỉ được xem là hợp pháp nếu được tổ chức và lãnh đạo bởi tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể và tổ chức này là một bên tranh chấp lao động tập thể. Cụ thể:
- Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.
- Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động.
2.3. Tuân thủ đúng trình tự đình công.
Trình tự đình công được quy định tại các Điều 200, 201 và 202 của Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể như sau:
Bước 1: Lấy ý kiến về đình công.
Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng. Nội dung và hình thức lấy ý kiến được quy định tại Điều 201 Bộ luật Lao động 2019.
Bước 2: Ra quyết định đình công và thông báo đình công.
Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công, tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Lao động 2019.
Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho:
- Người sử dụng lao động;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bước 3: Tiến hành đình công.
Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.
2.4. Không đình công tại nơi không được phép đình công.
Không đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người.
Danh mục nơi không được đình công được liệt kê cụ thể tại Mục 3 Chương XI Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
2.5. Không đình công tại thời điểm tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
2.6. Không đình công khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, khi đáp ứng đủ 6 điều kiện trên đây thì một công đình công mới được xem là hợp pháp. Trường hợp không đáp ứng được bất kỳ điều kiện nào trên đây đều được xem là đình công bất hợp pháp, khi đó, người lao động tham gia đình công sẽ không được trả lương cho những ngày đình công và có thể bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho người sử dụng lao động. Do đó, người lao động cần lưu ý thật kỹ các điều kiện trên để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của mình.
____________________________________________________________________________________
Bài viết căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm viết bài và có thể không còn phù hợp tại thời điểm Quý khách đọc bài viết này do quy định pháp luật có sự thay đổi. Do vậy, bài viết chỉ có giá trị tham khảo. |